Xem thêm: Bất động sản 2014: Ấm lên từ nhà giá thấp
Thị trường bất động sản đã đi qua năm 2013 với nhiều khó khăn, trắc trở. So với những dự đoán ban đầu của những chuyên gia về một tương lai hồi phục của thị trường thì diễn biến nhà đất năm Quý Tỵ vẫn ngập chìm trong tranh chấp, kiện cáo, tồn kho…
Ảnh minh họa
Sau đây là 10 sự kiện bất động sản tiêu biểu trong năm qua do CafeLand bình chọn:
1. Chính phủ ban hành Nghị quyết 02
Ngày 07/01/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Nghị quyết 02 được xem là ngọn cờ đầu dẫn lối cho hàng loạt các giải pháp được Chính phủ ban hành sau đó nhằm giảm bớt nợ xấu của nền kinh tế, trong đó xử lý nợ xấu bất động sản được chiếm một phần riêng trong nghị quyết.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2013 thị trường bất động sản vẫn chìm trong gam màu ảm đạm. Ngoài ra, Nghị quyết 02 dù được kỳ vọng nhiều nhưng đã không để lại dấu ấn gì đặc biệt.
2. Thông qua Luật Đất đai sửa đổi
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và người dân. Chính vì lý do đó, dự luật đã từng bị tạm hoãn thông qua vào tháng 6/2013 nhằm có thời gian lấy ý kiến, bàn luận thêm về một số nội dung quan trọng.
Đến 29/11, dự luật đã chính thức được thông qua với 90% đại biểu tán thành tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII.
Đáng chú ý, trong Luật Đất đai mới được Quốc hội thông qua lần này, các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường đã được tăng cường hơn.
3. Tung gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản
Sáng 15/5/2013, NHNN và Bộ xây dựng đã bắt tay triển khai gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 30% gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp đầu tư dự án vay và còn 70% cho cá nhân vay thuê, mua nhà với lãi suất thấp dưới 6%/năm và thời gian kéo dài hàng chục năm. Mục đích của gói hỗ trợ này là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Tính đến ngày 30/11/2013, gói tín dụng này đã giải ngân được 1,6% với nhiều sự thất vọng của người dân và doanh nghiệp. Gói tín dụng này được tung ra nhằm gỡ vướng cho bất động sản với nhiệm vụ giảm bớt tồn kho. Tuy nhiên, với thủ tục rối rắm, yêu cầu cho vay khắt khe, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội…đã làm tốc độ giải ngân gói tín dụng ngày càng ì ạch.
4. Bùng phát tranh chấp, kiện cáo tại chung cư, dự án
Năm 2013 được đánh giá là năm “bội thu” của kiện cáo và tranh chấp. Không như những năm trước đó, mức độ tranh chấp và phương thức đấu tranh của khách hàng đã ngày càng quyết liệt và “chuyên nghiệp” hơn.
Gây chấn động vào đầu năm chính là sự kiện ông Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar (Megastar Group) bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á. Được biết Megastar Group là chủ đầu tư của hàng loạt dự án dỡ dang, điển hình là lùm xùm huy động vốn tại dự án chung cư 409 Lĩnh Nam.
Tiếp sau đó, thị trường bất động sản suốt từ Nam đến Bắc đã nổ ra hàng loạt “scandal” ầm ĩ khác như: đại gia Tân Hoàng Minh nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế; khách hàng căng băng rôn đòi Petroland giao nhà; nguyên tổng giám đốc dự án B5 Cầu Diễn bị bắt khẩn cấp; Quốc Cường Gia Lai thua kiện khách hàng; Tập đoàn Nam Cường bị tai tiếng tại tổ hợp chung cư Dương Nội; nghi án đánh dân của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Lai Châu…
Ảnh minh họa
5. Tranh cãi giữa TS Alan Phan và Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội
Cuối tháng 3/2013, giữa TS Alan Phan và Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đã diễn ra cuộc tranh luận khá nảy lửa xung quanh bài viết của vị tiến sĩ này với nhận định cho rằng “Nên để thị trường bất động sản rơi tự do”.
1.000 hội viên Câu lạc bộ Bất động sản đã gửi 15 câu chất vấn đến ông Alan Phan. Tuy nhiên, sau đó ông đã có thư phúc đáp nhưng không đi vào trả lời cụ thể từng câu hỏi mà chỉ phúc đáp bằng bức thư dài với mong muốn các nhà đầu tư hy sinh quyền lợi cá nhân để chia sẻ với những người kém may mắn chưa có nhà.
Cuộc tranh luận này được đánh giá là vô tiền khoáng hậu, thu hút được sự chú ý của đông đảo giới trí thức và chuyên gia trong ngành. Theo quan sát, khá nhiều luồng ý kiến của dư luận khá đồng tình với ý kiến thẳng và thật của vị chuyên gia lão luyện này, mặc dù Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đã ra sức biện giải.
6. Hoàng Anh Gia Lai bị cáo buộc phá rừng
Ngày 13/5/2013, tổ chức Global Witness (tổ chức Nhân chứng toàn cầu) công bố bảng báo cáo mang tên Rubber Barons (tạm dịch là Những ông vua cao su). Bản báo cáo bao gồm 51 trang phân tích và clip kèm theo. Trong đó, tổ chức trên đã chỉ đích danh hai công ty Việt Nam là HAGL và Tập đoàn công nghiệp cao su đang tham gia vào nhiều hoạt động phá rừng, chiếm đất tại Lào và Campuchia.
Những quan điểm của Global Witness trong bản báo cáo bao gồm các ý chính: Hai công ty Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn công nghiệp cao su đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 ha đất (trong đó 161.344 ha ở Campuchia, phần còn lại ở Lào) để dựng đồn điền cao su, HAGL được phân bố hơn 80.000 ha. Hai tập đoàn có những mối quan hệ chặt chẽ cả với tầng lớp lãnh đạo chính trị tham nhũng và giới tài phiệt tại hai nước. Chính điều này là lá chắn để hai tập đoàn không bị xử lý khi vi phạm luật pháp.
7. Bầu Đức rút chân khỏi thị trường bất động sản Việt Nam
Giữa tháng 8, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tổ chức buổi tiếp xúc với các nhà đầu tư và đưa ra chiến lược kinh doanh giai đoạn 2013 – 2015 và kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn.
Theo kế hoạch này, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chỉ tập trung vào 2 mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại một số nước như Lào, Myanmar. Riêng các dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con có sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án Khu phức hợp Trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê tại thành phố Yangon, Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát Triển Nhà Hoàng Anh.
8. Chính sách làm dậy sóng dư luận
Năm 2013, chính phủ đã ban hành hàng loạt luật và nghị định có tác động trực tiếp đến thị trường nhà đất. Tuy nhiên, rất nhiều văn bản luật trong đó lại vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận bởi những lo ngại về tính khả thi và bất cập.
Cụ thể như quy định, cá nhân trong nước và nước ngoài hành nghề môi giới bất động sản tại Việt Nam phải có thẻ hành nghề môi giới bất động sản với trình độ từ đại học trở lên (dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi); quy định điều chỉnh cấm dùng nhà ở vào mục đích kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm như: Nhà nghỉ, quán bar, vũ trường, quán karaoke, vật liệu dễ gây cháy, nổ, gas…(dự thảo Luật Nhà ở).
Tiếp theo, Nghị định 121/2013/NĐ-CP cũng gặp không ít ý kiến phản đối khi cho tồn tại công trình xây dựng không phép, phạt tiền nếu không công khai thông tin dự án…
Ngoài ra, Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị đã cho phép "chia lô bán nền" theo quyết định của UBND cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của bộ Xây dựng.
9. Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng tố cáo chủ tịch tỉnh Bình Dương
Chiều 21.10, ông Huỳnh Uy Dũng - chủ Khu du lịch Đại Nam đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương về hành vi không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng thuộc Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 3.
Theo đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình trước HĐND tỉnh và cấp trên. Theo đó, năm 2004 tỉnh Bình Dương đối mặt với món nợ Bộ Tài chính 1.000 tỷ đồng đến hạn phải trả.
Vụ việc đến nay vẫn chưa ngã ngủ và có thông báo giải trình cụ thể.
10. Tách huyện Từ Liêm
Ngày 27/12/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc thành phố Hà Nội.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất thành lập Quận Bắc Từ Liêm có dân số hơn 319.000 người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2. Quận Nam Từ Liêm có dân số hơn 233.000 người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2.
Nguồn: Bất Động Sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét